TẬP HUẤN CAN THIỆP GIÁO DỤC ĐẶC BIỆT CHO CÁN BỘ, GIÁO VIÊN MẦN NON TẠI BÌNH PHƯỚC
Theo kế hoạch hoạt động năm 2024, nhằm mục đích phát triển nguồn nhân lực để thực hiện phát hiện sớm, can thiệp sớm trên địa bản tỉnh Bình Phước, Trung tâm Phát triển Sức khỏe Bền vững (VietHealth) phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Phước tổ chức khóa tập huấn về can thiệp giáo dục đặc biệt cho 44 cán bộ, giáo viên mầm non từ Đồng Xoài, Bình Long, Hớn Quản và Đồng Phú. Khoá tập huấn gồm 4 lớp, mỗi lớp 3 ngày với các chủ đề chính: i) Lý thuyết về các lĩnh vực phát triển, những rối loạn phát triển thường gặp ở trẻ em; ii) Phát triển ngôn ngữ – giao tiếp; iii) Quản lý hành vi, kỹ năng chơi và tương tác; iv) Xây dựng kế hoạch giáo dục cá nhân cho trẻ khuyết tật
Nối tiếp thành công của lớp 1, từ ngày 22 đến ngày 24 tháng 7 năm 2024, VietHealth tiếp tục phối hợp với Sở GDĐT tỉnh Bình Phước tổ chức lớp 2 với chủ đề: Những kiến thức cơ bản và phát triển ngôn ngữ, giao tiếp cho trẻ khuyết tật.
Phát biểu khai mạc lớp tập huấn, Ths. Bs. Lê Quang Dương – Giám đốc VietHealth trao đổi về tầm quan trọng, ý nghĩa của chương trình phát hiện sớm, can thiệp sớm, nhấn mạnh nhiệm vụ và vai trò quan trọng của giáo viên mầm non trong và sau khi hoàn thành khoá tập huấn sẽ tham gia can thiệp, hỗ trợ các trẻ chậm phát triển, trẻ nghi ngờ khuyết tật và trẻ khuyết tật tại Đồng Xoài, Bình Long, Hớn Quản và Đồng Phú nói riêng và toàn tỉnh Bình Phước nói chung.
Chương trình tập huấn gồm 3 ngày, Ths. Trà Thanh Tâm, Chuyên viên NNTL, Khoa VLTL & PHCN, Bệnh viện Nhi đồng 1 – TP Hồ Chí Minh, giảng viên của lớp tập huấn đã trao đổi về các nội dung: i) Ngày 1: Mốc phát triển ngôn ngữ, giao tiếp, lời nói, chơi đùa ở trẻ em phát triển điển hình; ii) Ngày 2: Đặc điểm của Rối loạn phổ tự kỉ, Rối loạn ngôn ngữ, Rối loạn âm lời nói, Khiếm thính; Thực hiện đánh giá sàng lọc ngôn ngữ hiểu- diễn đạt, rối loạn âm lời nói; iii) Ngày 3: Nguyên tắc can thiệp Ngôn ngữ trị liệu, chiến lược cơ bản trong can thiệp trẻ em lứa tuổi mầm non. Các Giáo viên tham gia sôi nổi, làm việc nhóm nghiêm túc, phát biểu liên hệ thực tế với tình hình công tác tại đơn vị. Đặc biệt, khóa tập huấn có cơ hội gặp 02 trẻ là học sinh của trường Mầm non Hoa Hồng; các giáo viên thực hiện đánh giá sàng lọc bằng công cụ đánh giá ngôn ngữ hiểu và diễn dạt; đồng thời thảo luận, đánh giá các mốc phát triển của 02 trẻ này dựa trên bảng kiểm được cung cấp tại khóa tập huấn.
Bế mạc lớp tập huấn, bà Vũ Thị Kim Huệ – Phó phòng Giáo dục Tiểu học và mầm non, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Phước đã một lần nữa nhấn mạnh nhiệm vụ, vai trò của giáo viên mầm non trong việc phát hiện, hỗ trợ các khó khăn trong quá trình nuôi dạy trẻ, đồng thời động viên, khuyến khích các cô tiếp tục tham gia lớp 3, lớp 4 trong thời gian tới để được bổ trợ thêm nhiều kiến thức cần thiết để có thể hỗ trợ tốt hơn cho trẻ.
Lớp tập huấn đề cập đến nhiều nội dung gần gũi với công việc hằng ngày nên các giáo viên đi học nghiêm túc, thảo luận nhóm, liên hệ với thực tế tại cơ sở và đặt nhiều câu hỏi nên các buổi học rất sôi nổi. Tại lớp tập huấn, các học viên cho biết chính bản thân giáo viên và nhiều phụ huynh rất quan tâm đến chủ đề này, nhưng chưa biết liên hệ với ai, ở đâu. Tuy nhiên, nội dung tập huấn đề cập nhiều kiến thức về y tế nên còn đôi chút mới lạ đối với giáo viên mầm non, do vậy giảng viên đã rất nỗ lực trong việc chuẩn bị nội dung bài giảng, trong quá trình tập huấn cũng dành nhiều thời gian trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm thực tế để bài giảng gần gũi, dễ hiểu hơn. Chương trình tập huấn thực sự là cơ hội tốt để giáo viên được cung cấp kiến thức và xác định rõ vai trò của giáo viên mầm non trong công tác nhận diện, phát hiện sớm, đánh giá/lượng giá và xác định chiến lược can thiệp cơ bản đối với các rối loạn phổ tự kỉ, rối loạn ngôn ngữ, rối loạn âm lời nói ở trẻ em lứa tuổi mầm non, qua đó giáo viên có thêm cơ sở khoa học, tự tin cung cấp thông tin cho phụ huynh và hỗ trợ các trẻ mầm non có nhu cầu đặc biệt.
Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ hợp phần dự án “Hỗ trợ cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật tại các tỉnh bị phun rải nặng chất da cam” (Hoà nhập III-b) do Tổ chức CRS quản lý, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ và Trung tâm Hành động Quốc gia Khắc phục Hậu quả Chất độc Hóa học và Môi trường (NACCET) là chủ dự án.