TẬP HUẤN NÂNG CAO NHẬN THỨC VỀ GIỚI, BẠO LỰC GIỚI VÀ PHÒNG CHỐNG XÂM HẠI TÌNH DỤC TRẺ EM
Việt Nam đã xây dựng khung pháp lý nhằm đảm bảo quyền của người khuyết tật được tiếp cận các dịch vụ xã hội và hòa nhập cộng đồng. Về bình đẳng giới, Việt Nam đã có nhiều bước tiến trong thu hẹp khoảng cách giới và thúc đẩy bất bình đẳng giới. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho thấy trong cùng một hoàn cảnh sống, phụ nữ vẫn chịu bất lợi hơn so với nam giới do các định kiến giới, tư tưởng trọng nam khinh nữ phổ biến và ăn sâu trong xã hội Việt Nam. Phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật, còn gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản và bị phân biệt đối xử “kép” cả từ khía cạnh giới và khuyết tật.
Để giúp người chăm sóc trẻ khuyết tật hiểu và nhận thức đúng về giới, bạo lực giới và phòng chống xâm hại trẻ em, Trung tâm Phát triển Sức khỏe Bền vững (VietHealth) đã tổ chức Tập huấn nâng cao nhận thức cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ khuyết tật về giới, bạo lực giới và phòng chống xâm hại tình dục trẻ em trong 2 ngày 8-9/8/2022 tại Phước Long, Bình Phước.
Hơn 90 học viên tham gia các lớp tập huấn đã được chuyên gia cung cấp một số kiến thức cơ bản về giới và bạo lực giới, nhận diện các dạng bạo lực trên cơ sở giới, hiểu được hậu quả của bạo lực giới và cách phòng tránh bạo lực trên cơ sở giới đối với trẻ khuyết tật. Bên cạnh đó, chuyên gia cũng giúp phụ huynh nắm bắt rõ hơn về xâm hại tình dục trẻ em, những nguy cơ bị xâm hại tình dục với trẻ khuyết tật và một số cách thức phòng tránh, xử lý để từ đó hướng dẫn con khi bị bạo lực hoặc bị xâm hại.
Chuyên gia Mai Thị Bưởi, giảng viên lớp tập huấn chia sẻ: “Tôi hết sức xúc động và nể phục các ông, bà và bố, mẹ. Họ yêu thương con mình vô điều kiện, tìm mọi cách để con cháu mình có được cách giáo dục tốt nhất, hòa nhập nhiều nhất có thể. Các lớp tập huấn diễn ra trong ngày làm việc, hầu hết họ đều rất bận rộn với công việc nhưng họ đã thu xếp, dành thời gian để tham gia, chủ động nói về tình trạng của con mình, những băn khoăn và những khó khăn của họ trong quá trình giúp con phát triển. Qua những gì họ chia sẻ, tôi thấy họ yêu thương, lo lắng, và đã dành rất nhiều thời gian, tâm huyết và cả tiền bạc để con có thể sớm ‘bình thường’”.
Khóa tập huấn đáp ứng được mong đợi của các học viên, giúp người chăm sóc trẻ nhận thấy họ đang dùng các phương pháp giáo dục bạo lực với con nhưng họ thực sự bế tắc vì không biết cách giáo dục phù hợp hoặc một số phụ huynh cho rằng đó là cách hữu ích nhất. Ngoài ra, thông qua khóa tập huấn, người chăm sóc hiểu rằng những khó khăn trong quá trình dạy con cháu của họ là khó khăn chung của những người làm cha mẹ, không riêng với những gia đình có trẻ khuyết tật. Họ cũng nhận được lời khuyên từ chuyên gia giáo dục trẻ không sử dụng bạo lực, cách xử lý tình huống và nhận diện nhiều hành vi xâm hại tình dục trẻ em mà họ chưa từng biết hoặc không cho đó là hành vi xâm hại tình dục trẻ em.
Hoạt động tập huấn diễn ra trong khuôn khổ dự án “Tăng cường Năng lực Mạng lưới Dịch vụ và Trị liệu cho trẻ em khuyết tật” (DISTINCT) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ./.