Tọa đàm “Vai trò của Giáo giục đặc biệt trong hỗ trợ trẻ khuyết tật”
Ngày 11/03/2022, trong khuôn khổ Hợp phần “Phục hồi chức năng toàn diện cho trẻ khuyết tật tại Tây Ninh và Bình Phước” (INCLUSION 3 – CRC) thuộc Gói “Hỗ trợ cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật tại các tỉnh bị phun rải nặng chất da cam: Đồng Nai, Tây Ninh và Bình Phước” (INCLUSION 3) của Dự án “Hỗ trợ cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật tại các tỉnh bị phun rải nặng chất da cam” (INCLUSION) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, Trung tâm Phát triển sức khỏe Bền vững (VietHealth) tổ chức Tọa đàm “Vai trò của giáo dục đặc biệt trong hỗ trợ trẻ khuyết tật” với sự tham gia của các chuyên gia giáo dục đặc biệt quốc tế và trong nước, những người thực hành nghề nghiệp và thụ hưởng dịch vụ. Thông qua trình bày của các diễn giả, người nghe được hiểu hơn về vai trò, thực trạng của giáo dục đặc biệt tại Việt Nam cũng như Hoa Kỳ, đặc biệt là vai trò, vị trí của giáo dục đặc biệt trong công tác hỗ trợ trẻ khuyết tật nói chung và phục hồi chức năng đa chuyên ngành nói riêng.
Buổi tọa đàm có sự hiện diện của đại diện Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), CSIP, VietHealth, đồng thời thu hút sự tham gia của đông đảo đại biểu đến từ các Trường Đại học, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực hỗ trợ người khuyết tật, Trung tâm cung cấp dịch vụ và nhà chuyên môn trên mọi miền đất nước. Chia sẻ tại buổi tọa đàm GS.TS Robert A. Gable đến từ trường Đại học Old Dominion, Hoa Kỳ đã bày tỏ sự trân trọng khi được chia sẻ về những thay đổi nhanh chóng của giáo dục đặc biệt nhân danh trẻ khuyết tật, đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của giáo dục đặc biệt trong tiếp cận đa chuyên ngành có nhiều đóng góp cho tiến bộ của trẻ khuyết tật ở nhiều cấp độ khác nhau và khẳng định vị trí của giáo viên giáo dục đặc biệt là thành viên duy nhất trong nhóm đa chuyên ngành được đào tạo và có năng lực giải quyết những vấn đề về học tập và hành vi ở trẻ. Bên cạnh đó, Giáo sư cũng khẳng định để hỗ trợ cho trẻ khuyết tật và thúc đẩy phát triển giáo dục đặc biệt cần có sự thay đổi hệ thống. Chính điều này được làm rõ hơn trong những trình bày của diễn giả trong nước, nhất là từ góc độ phụ huynh: Trẻ cần can thiệp nhiều mặt và cần sự kết hợp các nhà chuyên môn đa ngành và liên ngành, nhưng hiện tại, Việt Nam đang thiếu chuyên gia trong mọi lĩnh vực, đồng thời cần có cơ chế phối hợp để tối ưu hóa hiệu quả hỗ trợ.
Buổi Tọa đàm diễn ra thành công và nhận được sự tham gia hưởng ứng từ phía thính giả với những thảo luận thực chất, sâu sắc về các chủ đề trình bày đa dạng và ý nghĩa Sự kiện được kỳ vọng là bước khởi đầu trong việc thúc đẩy phát triển và khẳng định vai trò của giáo dục đặc biệt trong hỗ trợ trẻ khuyết tật tại Việt Nam.