Dự án “Nâng cao năng lực phát hiện và can thiệp sớm trẻ khuyết tật dưới 6 tuổi tại thành phố Đà Nẵng”
Theo báo cáo của UNICEF, tính đến nay, Việt Nam có khoảng 1.1 triệu trẻ em khuyết tật (KT) dưới 16 tuổi. Số liệu thống kê của Bộ Lao động Thương binh Xã hội (LĐTB&XH) cũng cho thấy số trẻ khuyết tật là 1.3 triệu trẻ. Tuy nhiên những con số thống kê về trẻ khuyết tật chủ yếu dựa vào các báo cáo của cán bộ y tế cấp xã, cấp huyện. Các dạng khuyết tật được phát hiện thường là những dạng khuyết tật dễ phát hiện như động kinh, bại liệt hay bại não…, bên cạnh đó các dạng khuyết như tăng động-giảm tập trung, tự kỷ hay chậm phát triển về ngôn ngữ và trí tuệ thường bị bỏ sót hoặc được phát hiện muộn bởi gia đình hoặc giáo viên khi trẻ đi học.
Việc phát hiện sớm (PHS) trẻ KT là một trong những hoạt động cần thiết để có thể can thiệp và theo dõi trẻ, từ đó giúp trẻ hoà nhập, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội. Các mô hình can thiệp sớm trẻ (CTS) khuyết tật thường ở mức nhỏ lẻ và chưa đồng bộ trên toàn quốc. Các nghiên cứu ở trong và ngoài nước đã chỉ ra rằng CTS mang lại những tác động hiệu quả nhất đối với sự phát triển của trẻ là giai đoạn từ 0-6 tuổi.
CTS có những tác động rõ rệt trên trẻ như: giảm thiểu ảnh hưởng của các loại tật tới sự phát triển, tận dụng tối đa cơ hội giúp trẻ tham gia các hoạt động bình thường từ khi còn nhỏ, ngăn chặn các rủi ro hoặc những bất thường về phát triển của khuyết tật thứ phát; phát huy hiệu quả kinh tế đối với cộng đồng; tiết kiệm chi phí đầu tư cho các dịch vụ giáo dục đặc biệt. Các CTS trong lĩnh vực y tế, phục hồi chức năng về vận động, sinh hoạt và ngôn ngữ cho trẻ có ý nghĩa và hiệu quả rất cao trong việc cải thiện sức khỏe cũng như sự phát triển các chức năng và khả năng hòa nhập. Các chương trình CTS cho trẻ có vấn đề về phát triển cũng giữ một vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của trẻ và là yếu tố quyết định đến sự thành công của giáo dục hoà nhập.
Trong thời gian qua, các hoạt động PHS/CTS trẻ KT ở Việt Nam còn chưa phát triển vì còn nhiều hạn chế về: nguồn lực; đào tạo nguồn nhân lực; tổ chức cung cấp dịch vụ; truyền thông nâng cao nhận thức để tạo thói quen và thực hành trong tìm kiếm, sử dụng cũng như cung cấp dịch vụ PHS/CTS; và các chính sách đồng bộ đa ngành để thúc đẩy PHS/CTS.
Xác định được tầm quan trọng trong việc CTS trẻ KT, Trung tâm Phát triển Sức khỏe Bền vững – VietHealth, một tổ chức Khoa học công nghệ hoạt động trong lĩnh vực sức khỏe cộng đồng của Việt Nam (đặc biệt là các hoạt động đối với trẻ khuyết tật, phát hiện và phục hồi chức năng cho người khuyết tật), với sự hỗ trợ của Cơ quan viện trợ phát triển Ailen – Irish Aid đã thực hiện dự án: “Nâng cao năng lực phát hiện và can thiệp sớm trẻ khuyết tật dưới 6 tuổi tại thành phố Đà Nẵng” thông qua các giai đoạn từ 2011 – 2020 tại tất cả các quận huyện trên địa bàn thành phố.
Dự án nhằm xây dựng và triển khai mô hình nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở trong việc dự phòng, phát hiện sớm và can thiệp sớm khuyết tật trẻ em tại thành phố Đà Nẵng. Dự án này sẽ giảm bớt gánh nặng do khuyết tật gây ra thông qua đào tạo về dự phòng, phát hiện sớm và can thiệp sớm khuyết tật trẻ em cho mạng lưới nhân viên y tế, giáo viên mầm non và nhân viên xã hội, giúp họ tăng năng lực trong việc: phát hiện và can thiệp sớm khuyết tật ở trẻ em; hỗ trợ trẻ khuyết tật và gia đình tiếp cận những thông tin và dịch vụ cho trẻ khuyết tật tại cộng đồng.
Mục tiêu của Dự án là xây dựng năng lực và tính bền vững của hệ thống cung cấp dịch vụ PHS/CTS cho trẻ em dưới 6 tuổi tại Đà Nẵng, từng bước chuyển giao mô hình cho Đà Nẵng để địa phương có thể thực hiện chương trình sử dụng nguồn lực của tỉnh.
Các nhóm giải pháp bao gồm: 1. Xây dựng năng lực về PHS/CTS cho trẻ em dưới 6 tuổi cho cán bộ ngành ý tế, giáo dục và LĐTBXH; 2. Thúc đẩy và hỗ trợ việc cung cấp các dịch vụ PHS/CTS; 3. Truyền thông nâng cao nhận thức về PHS/CTS; 4. Vận động chính sách cấp địa phương để duy trì mô hình PHS/CTS tại Đà Nẵng sau khi dự án kết thức
Một số kết quả chính của dự án trong giai đoạn 2017-2020
- Thiết lập mạng lưới phát hiện sớm khuyết tật trẻ em
- 22 chuyên gia được đào tạo về khám/đánh giá phân loại khuyết tật trẻ em dưới 6 tuổi.
- 25 cán bộ chủ chốt được đào tạo TOT.
- 440 cán bộ cơ sở của 7 quận/huyện được đào tạo sử dụng Bộ công cụ sàng lọc cộng đồng.
- Thiết lập mạng lưới can thiệp sớm khuyết tật trẻ em
- 3 bộ tài liệu can thiệp sớm dành cho cha mẹ, giáo viên mầm non và cán bộ y tế xã phường được xây dựng.
- 178 giáo viên mầm non các quận huyện và giáo viên giáo dục đặc biệt được tập huấn “Trị liệu ngôn ngữ”.
- 84 cán bộ y tế phụ trách phục hồi chức năng tuyến xã phường, quận/huyện được tập huấn Giáo dục điều khiển.
- 222 giáo viên mầm non của 7 quận/huyện được đào tạo phương pháp can thiệp sớm cho trẻ có khó khăn/chậm phát triển trong trường mầm non.
- 100% cán bộ trẻ em cấp quận, huyện và xã phường được đào tạo về Quản Lý ca và Phần mềm quản lý trẻ khuyết tật.
- Hỗ trợ trẻ khuyết tật:
- 312 trẻ khuyết tật vận động được hỗ trợ can thiệp phục hồi chức năng.
- 785 trẻ có nhu cầu được hỗ trợ can thiệp giáo dục.
- 1645 trẻ khuyết tật có nhu cầu được phát hiện cần can thiệp sớm, trong đó 312 trẻ cần phục hồi chức năng, 931 trẻ cần hỗ trợ giáo dục, 402 trẻ có những khuyết tật khác và cần phẫu thuật chỉnh hình.
- 76.489 trẻ dưới 6 tuổi thuộc 7/7 quận huyện được khám sàng lọc.
- Các quyết định của UNBD thành phố Đà Nẵng liên quan đến việc hỗ trợ đối với
dự án:
- Ngày 20/10/2012, UBND thành phố Đà Nẵng đã có công văn số 8705/UBND-TH đồng ý ủy quyền cho Sở Ngoại vụ thành lập Ban Điều phối dự án cấp thành phố để triển khai dự án.
- Tháng 12/2020, 7/7 quận, huyện thuộc thành phố đã triển khai các hoạt động phát hiện và can thiệp sớm.
- Năm 2016, UBND thành phố phê duyệt Kế hoạch số 8606/KH-UBND ngày 19/10/2016 về duy trì và phát triển mô hình phát hiện sớm, can thiệp sớm cho trẻ khuyết tật dưới 6 tuổi trên địa bàn thành phố giai đoạn 2017-2020.
- Năm 2018, UBND thành phố cấp kinh phí cho 3 quận huyện thực hiện phát hiện và can thiệp sớm.
- Năm 2020, UBND thành phố giao cho Ban quản lý dự án thành phố xây dựng kế hoạch duy trì mô hình phát hiện và can thiệp sớm trên toàn địa bàn thành phố.
Thông tin về dự án trên báo chí
- Dự án được một số cơ quan báo chí, truyền thông quan tâm viết bài, đưa tin.
Cụ thể:
- Bài 1: Căn bệnh đeo đẳng 50.000 gia đình Việt, cha già 70 tuổi vẫn phải phục vụ con. Xem tại đây: http://bit.ly/2NGeuYG
- Bài 2: Cách nào hỗ trợ những trẻ không may mắc bại não? Xem tại đây: http://bit.ly/3f4StOu
- Bài 3: Bài viết về hội thảo tổng kết dự án được đăng trên báo Đà Nẵng. Xem tại đây: http://bit.ly/3sd9Gt5
- Bài 4: Video hội thảo tổng kết dự án được đăng trên FanPage của Truyền hình Đà Nẵng. Xem tại đây: http://bit.ly/3cTpLxs
Một số tài liệu truyền thông của dự án
STT | Tên tài liệu | Đường link |
1 | Backdrop hội thảo kết thúc dự án | http://bit.ly/318AkHr |
2 | Backdrop ký tên ủng hộ trẻ khuyết tật hoà nhập cộng đồng | http://bit.ly/397fOvh |
3 | Bộ 5 postcard của 5 trẻ khuyết tật | http://bit.ly/395S0Id |
4 | Bộ 5 standee của 5 trẻ khuyết tật | http://bit.ly/31cnaJm |
5 | Tờ rơi về kết quả chính dự án IA đã đạt được | https://bit.ly/2PjSdk5 |