VIETHEALTH TỔ CHỨC KHÁM VÀ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH CAN THIỆP CHO TRẺ KHUYẾT TẬT Ở CÁC HUYỆN TÂN BIÊN, BẾN CẦU VÀ CHÂU THÀNH, TỈNH TÂY NINH
Theo kết quả Điều tra Quốc gia về Người Khuyết tật tại Việt Nam, ước tính Viêt Nam có gần 7 triệu khuyết tật, trong đó có 1,2 triệu trẻ em khuyết tật. Trẻ khuyết tật là nhóm đối tượng nhận được nhiều sự quan tâm và hỗ trợ của nhà nước và các tổ chức xã hội, đơn cử là Quyết định số 359/QĐ- BYT ngày 31/03/2023 của Bộ Y tế về ban hành tài liệu “Hướng dẫn Phát hiện sớm- Can thiệp sớm khuyết tật trẻ em”. Khám, đánh giá và xác định mục tiêu can thiệp cho trẻ em khuyết tật được đánh giá là các hoạt động quan trọng, không thể thiếu trong công tác hỗ trợ cho trẻ khuyết tật nhằm giúp xác định được dạng tật, mức độ khuyết và chiến lược can thiệp phù hợp cho trẻ.
Trong tháng 4 và tháng 5 vừa qua, Trung tâm Phát triển Sức khỏe Bền vững (VietHealth) phối hợp cùng Sở Y tế và Sở Giáo dục tỉnh Tây Ninh, tổ chức khám, đánh giá và xây dựng kế hoạch can thiệp cho trẻ em khuyết tật tại ba huyện Tân Biên, Bến Cầu và Châu Thành. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Hợp phần “Phục hồi chức năng toàn diện cho trẻ khuyết tật tại Tây Ninh và Bình Phước” thuộc Dự án “Hỗ trợ cải thiện chất lượng sống của Người khuyết tật tại các tỉnh BỊ phun rải rất nặng chất da cam Tây Ninh, Bình Phước và Đồng Nai” (Hòa nhập 3) do Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phục vụ Cộng đồng (CSIP) quản lý, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ và Trung tâm Hành động Quốc gia Khắc phục Hậu quả Chất độc Hóa học và Môi trường (NACCET) là chủ dự án. Tham gia khám cho trẻ khuyết tật có các bác sĩ, chuyên gia tuyến Trung ương cùng các bác sĩ, kỹ thuật viên, giáo viên tại các Trung Y tế và trường học trên địa bàn các huyện nói trên.
Trong suốt thời gian diễn ra hoạt động, trẻ khuyết tật được khám, đánh giá theo mô hình Phục hồi chức năng đa chuyên ngành gồm có bác sĩ phục hồi chức năng nhi, kỹ thuật viên hoạt động trị liệu, vật lí trị liệu, ngôn ngữ trị liệu và chuyên gia giáo dục đặc biệt. Cuối mỗi buổi khám, từng trường hợp được nhóm chuyên gia và cán bộ địa phương hội chẩn để đưa ra chỉ định can thiệp phù hợp cho từng trẻ. Bên cạnh đó, phụ huynh của trẻ khuyết tật cũng nhận được tư vấn về tình trạng khuyết tật và định hướng can thiệp cho con. Sau 10 ngày khám, 125 trẻ trên địa bàn cả ba huyện được tiến hành khám, trong đó có 115 trẻ đã được chỉ định xây dựng kế hoạch can thiệp trong đợt khám lần này. Hoạt động đã cho thấy mong muốn của phụ huynh trong tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ cho trẻ khuyết tật, thể hiện qua 100% phụ huynh đưa trẻ đến khám và đồng ý tham gia dự án.
Bên cạnh đó, một trong những mục tiêu quan trọng của hoạt động này là nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ cho các đơn vị cung cấp dịch vụ tại địa phương theo định hướng đa chuyên ngành thông qua việc chuyển giao kỹ thuật và hỗ trợ lâm sàng. Xuyên suốt đợt khám, các bác sĩ, kỹ thuật viên ba Trung tâm y tế và giáo viên có chuyên môn về đánh giá phát triển đã được chuyên gia Trung ương hướng dẫn triển khai quy trình khám đa chuyên ngành, hướng dẫn sử dụng các công cụ, kỹ thuật khám, lượng giá và xây dựng mục tiêu can thiệp cho trẻ. Cung cấp dịch vụ phục hồi chức năng đa chuyên ngành đang là xu hướng được quan tâm và đón nhận tại Tây Ninh vì những lợi ích thiết thực mang lại cho trẻ em khuyết tật và gia đình. Tiếp theo hoạt động khám, trẻ khuyết tật sẽ được các kĩ thuật viên, giáo viên thực hiện can thiệp theo kế hoạch được chỉ định. Các nỗ lực hỗ trợ cho trẻ khuyết tật đang góp phần giảm bớt những khó khăn mà các em đang phải đương đầu, nhờ đó nâng cao chất lượng cuộc sống và giúp các em hòa nhập vào cộng đồng.