Ngày Người khuyết tật Việt Nam 18/4
Ngày 18/4 hàng năm được chọn là Ngày người khuyết tật Việt Nam. Đây là ngày hội lớn đối với người khuyết tật nói chung và các tổ chức, cá nhân đang hành động vì người khuyết tật nói riêng. Việc người khuyết tật có một ngày dành riêng cho mình đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước nhằm đảm bảo các quyền của người khuyết tật. Đồng thời, cải thiện chất lượng cuộc sống để người khuyết tật hòa nhập cộng đồng ngày càng tốt hơn.
Nhằm hưởng ứng lời kêu gọi của Đại Hội đồng liên hiệp quốc năm 1976 lấy năm 1981 là năm Quốc tế đầu tiên về người khuyết tật, kêu gọi một kế hoạch hành động ở cấp quốc gia, khu vực và quốc tế, với trọng tâm là tăng cường các cơ hội, phục hồi chức năng và phòng ngừa khuyết tật, ngày 18 tháng 4 năm 1980, Chính phủ Việt Nam đã thành lập Ủy ban Năm quốc tế những người tàn tật của Việt Nam.
Ngày 30 tháng 7 năm 1998 Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh số 06/1998/PL-UBTVQH10 về người tàn tật. Tại điều 31 có quy định lấy ngày 18 tháng 4 hàng năm là Ngày bảo vệ, chăm sóc người tàn tật. Sau này, khi Luật người khuyết tật Việt Nam, Luật số: 51/2010/QH12, tại điều 11 chính thức ghi nhận ngày 18 tháng 4 hàng năm là Ngày người khuyết tật Việt Nam.
Từ năm 1980 đến nay, Đảng và Nhà nước đã dành rất nhiều nỗ lực xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm bảo đảm các quyền của người khuyết tật, cải thiện chất lượng cuộc sống để người khuyết tật hòa nhập cộng đồng ngày càng tốt hơn. Nhiều chủ trương, chính sách đã được triển khai thực hiện như Luật Người khuyết tật, Công ước quốc tế về quyền của NKT đã được phê chuẩn, Ủy ban quốc gia về NKT được thành lập, triển khai Đề án trợ giúp NKT.
Việt Nam hiện có hơn 7 triệu người khuyết tật, chiếm hơn 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên, trong đó người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng chiếm khoảng 28,9%, khoảng 10% người khuyết tật thuộc hộ nghèo và cận nghèo.
Đến nay, số người khuyết tật được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng và cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí đạt hơn 1,1 triệu người. Các bệnh viện đa khoa trung ương, tỉnh và huyện đều có khoa phục hồi chức năng, 20 tỉnh, thành phố thành lập được trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập và 107 cơ sở giáo dục chuyên biệt cho trẻ em khuyết tật không đến được trường lớp bình thường, đã thống nhất được ngôn ngữ kí hiệu và chữ nổi Brail trong toàn quốc. Hàng năm có khoảng 19 nghìn người khuyết tật được dạy nghề tạo việc làm; giới thiệu việc làm cho khoảng hơn 20 nghìn lượt người khuyết tật với tỷ lệ thành công đạt trên 50%, khoảng gần 40 nghìn người khuyết tật được vay vốn Quỹ quốc gia về việc làm với lãi suất ưu đãi… Cùng với nhiều chính sách khác đã góp phần đáng kể hỗ trợ NKT hòa nhập cộng đồng, cụ thể: nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Người khuyết tật, Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10/4/2012 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người khuyết tật, Chỉ thị số 39- CT/TW, ngày 01/11/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật. Từ năm 2010 đến nay, Trung tâm Phát triển Sức khoẻ Bền vững (VietHealth) luôn nỗ lực thực hiện các hoạt động hướng tới việc hỗ trợ người khuyết tật có cuộc sống tốt đẹp hơn thông qua triển khai các chương trình, dự án bao gồm: i) Mô hình phục hồi chức năng toàn diện, phát hiện sớm, can thiệp sớm và chăm sóc sức khoẻ cho trẻ khuyết tật tại một số tỉnh, thành phố trên cả nước; ii) trao tặng xe lăn và khung tập đi cho người khuyết tật; iii) dự phòng khuyết tật, bệnh tật với dự án đào tạo và triển khai hỗ trợ trẻ sơ sinh thở/ cứu ngạt sơ sinh và iv) tổ chức các đợt Liên hoan Vẻ đẹp Vầng trăng khuyết… các hoạt động này phần nào góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người khuyết tật, đặc biệt là trẻ em khuyết tật dưới 6 tuổi và gia đình.