NHÌN LẠI CHẶNG ĐƯỜNG TRIỂN KHAI DỰ ÁN DISTINCT
Sáng 8/12/2022 tại thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước, Trung tâm Phát triển Sức khỏe Bền vững (VietHealth) phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Phước tổ chức Hội nghị Tổng kết Dự án “Tăng cường Năng lực Mạng lưới Dịch vụ và Trị liệu cho trẻ em khuyết tật” (DISTINCT) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ và VietHealth là đơn vị triển khai thực hiện tại Tây Ninh, Đồng Nai và Bình Phước.
Hội nghị rất vinh dự có sự tham gia của ông James Matthew Gilman, Phó Giám đốc, Phòng Hàn gắn và Phát triển hòa nhập, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam, đại diện nhà tài trợ; Về phía các bộ ngành Trung ương có bà Đinh Thị Thụy, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia Người khuyết tật Việt Nam thuộc Bộ Lao đông Thương binh & Xã hội; ông Trần Ngọc Nghị, Trưởng phòng Phục hồi Chức năng & Giám định, Cục Quản lý Khám Chữa bệnh thuộc Bộ Y tế; Về phía 3 tỉnh triển khai dự án có ông Mai Xuân Tuân, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh & Xã hội tỉnh Bình Phước; ông Lê Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Phước; ông Đỗ Hồng Sơn, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Tây Ninh và ông Lê Quang Dương, Giám đốc VietHealth, Giám đốc Dự án DISTINCT. Hội nghị cũng có sự tham gia của các đại diện đến từ ngành lao động, ngành y tế và ngành giáo dục của các địa phương triển khai dự án, các đơn vị đối tác, chuyên gia tư vấn kỹ thuật tham gia dự án, các đài báo địa phương và đặc biệt có sự góp mặt của một số trẻ khuyết tật và phụ huynh tại hội nghị.
Được sự uỷ quyền của UBND tỉnh Bình Phước, ông Mai Xuân Tuân, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh & Xã hội tỉnh Bình Phước, đơn vị đầu mối triển khai dự án tại tỉnh Bình Phước đã phát biểu khai mạc hội nghị.Ông Mai Xuân Tuân cho hay: “Dự án đã và đang mang lại những hiệu quả đáng kể trong việc góp phần nâng cao chất lượng sống cho người khuyết tật. Tỉnh Bình Phước trân trọng ghi nhận và cảm ơn sự hỗ trợ của USAID và VietHealth với tinh thần và trách nhiệm đối với người khuyết tật và trẻ em khuyết tật trên địa bàn tỉnh”. Ông James Matthew Gilman, Phó Giám đốc, Phòng Hàn gắn và Phát triển hòa nhập, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam, đại diện nhà tài trợ cũng có bài phát biểu chào mừng tại hội nghị.
Tiếp theo, ông Nguyễn Đức Hồng, Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Sức khỏe, đại diện Nhóm đánh giá độc lập, báo cáo kết quả Đánh giá cuối kỳ dự án DISTINCT, bao gồm đánh giá tổng thể, toàn diện để xác định những kết quả mà dự án đã mang lại so với những mục tiêu đã cam kết với nhà tài trợ và các bài học thành công cũng như những rào cản, thách thức trong quá trình thực hiện, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm hữu ích và khả thi góp phần thực hiện tốt hơn cho các chương trình/dự án tương tự trong tương lai.
Tại hội nghị, ông Lê Quang Dương, Giám đốc VietHealth, Giám đốc Dự án DISTINCT trình bày Báo cáo tổng kết dự án gồm các hoạt động, kết quả đầu ra, các khó khăn thách thức, bài học kinh nghiệm của dự án từ tháng 6/2015 đến tháng 12/2022.
Từ năm 2015, VietHealth tiếp nhận tài trợ của USAID để triển khai dự án DISTINCT tại các tỉnh Tây Ninh, Đồng Nai và Bình Phước nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của trẻ khuyết tật dưới 6 tuổi và gia đình trẻ thông qua triển khai mô hình can thiệp toàn diện Phát hiện sớm, Can thiệp sớm (PHS/CTS) kết hợp với các dịch vụ các dịch vụ y tế, giáo dục và thúc đẩy hoà nhập xã hội. Để đạt được mục tiêu trên, dự án DISTINCT triển khai quy trình Phát hiện sớm, Can thiệp sớm (PHS/CTS) với các hoạt động chính như sau: i) Tổ chức các khoá đào tạo, tập huấn xây dựng, phát triển năng lực với quy mô rộng lớn từ cấp trung ương tới tuyến xã cho CBYT, cán bộ cộng đồng, GVMN và phụ huynh/người chăm sóc trẻ khuyết tật; ii) Tổ chức chiến dịch sàng lọc rối loạn phát triển tại cộng đồng cho toàn bộ trẻ em từ 0 đến 6 tuổi tại các địa phương triển khai dự án; iii) Khám đánh giá, chẩn đoán và phân loại khuyết tật cho trẻ em từ 0 đến 6 tuổi có dấu hiệu nghi ngờ khuyết tật qua kết quả sàng lọc tại cộng đồng; iv) Cung cấp dịch vụ can thiệp căn cứ nhu cầu của từng trẻ khuyết tật gồm: giáo dục đặc biệt, vật lý trị liệu, ngôn ngữ trị liệu; v) chuyển tuyến để khám, điều trị chuyên khoa ở các bệnh viện chuyên ngành tuyến trên và vi) cung cấp dụng cụ trợ giúp. Dự án cũng tiến hành vận động để lồng ghép quy trình PHS/CTS vào kế hoạch hoạt động thường niên sử dụng các nguồn lực tại địa phương và kêu gọi các nguồn lực khác và bước đầu vận động đề xuất việc áp dụng quy trình PHS/CTS ở cấp quốc gia.
Qua gần 7 năm thực hiện, Dự án đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận, cao hơn chỉ tiêu đã đặt ra như: 209.855 trẻ được sàng lọc, 9.183 trẻ nghi ngờ được khám đánh giá và phân loại khuyết tật, 3.110 trẻ khuyết tật được can thiệp, 3.103 cán bộ, phụ huynh được tập huấn về giáo dục đặc biệt, 2.043 cán bộ, phụ huynh được tập huấn về phục hồi chức năng, 1.334 cán bộ cộng đồng được tập huấn về mô hình PHS/CTS và hướng dẫn sử dụng công cụ sàng lọc phát triển, Dự án cũng cung cấp dụng cụ PHCN, hỗ trợ kỹ thuật và thực hiện khám đánh giá, can thiệp về PHCN gồm vật lý trị liệu, ngôn ngữ trị liệu cho 17 người khuyết tật và can thiệp giáo dục đặc biệt cho 14 người khuyết tật tại Trung tâm Nuôi dưỡng và PHCN cho nạn nhân da cam/dioxin tại Tây Ninh. Đến cuối năm 2022, Dự án đã phối hợp với Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Tây Ninh xây dựng và đưa vào hoạt động phòng can thiệp hỗ trợ hòa nhập tại 5 trường mầm non và Trường khuyết tật tỉnh Tây Ninh; phối hợp với Sở Y tế 3 tỉnh dự án xây dựng và triển khai cung cấp dịch vụ PHCN đa chuyên ngành với việc đưa vào hoạt động 9 phòng can thiệp ngôn ngữ trị liệu và 3 phòng hoạt động trị liệu tại Tây Ninh, Đồng Nai và Bình Phước.
Cũng tại hội nghị, đại diện các cơ quan trung ương, bà Đinh Thị Thụy, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia Người khuyết tật Việt Nam thuộc Bộ Lao đông Thương binh & Xã hội; ông Trần Ngọc Nghị, Trưởng phòng Phục hồi Chức năng & Giám định, Cục quản lý Khám Chữa bệnh thuộc Bộ Y tế và đại diện các Sở ngành địa phương đã bày tỏ ý kiến đánh giá cao sự hỗ trợ của USAID và VietHealth về những đóng góp, hỗ trợ bộ ban ngành liên quan trong hoạt động trợ giúp/hỗ trợ người khuyết tật Việt Nam, đặc biệt là trẻ em khuyết tật và mong sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, phối hợp của USAID và VietHealth trong thời gian tới.
Hội nghị tổng kết dự án chính là thời điểm đánh dấu kết quả của cả một quá trình với rất nhiều đóng góp nhiệt huyết, nỗ lực to lớn của rất nhiều các bên liên quan, cùng hướng đến công tác chăm sóc, hỗ trợ người khuyết tật của Việt Nam nói chung và tại các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh và Đồng Nai nói riêng./.