Hội thảo “Xây dựng quy trình, lộ trình thực hiện các hoạt động phát hiện sớm, can thiệp sớm (PHS-CTS) khuyết tật trẻ em”
Ngày 14 tháng 3 năm 2019, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Tây Ninh và Dự án DISTINCT đã tổ chức hội thảo “Xây dựng quy trình, lộ trình thực hiện các hoạt động phát hiện sớm, can thiệp sớm (PHS-CTS) khuyết tật trẻ em” nhằm duy trì bền vững mô hình PHS-CTS khuyết tật trẻ em trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
Với gần 60 đại biểu bao gồm Đại diện nhà tài trợ USAID, lãnh đạo và cán bộ của Sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT các huyện, các giáo viên can thiệp, cán bộ nguồn, và đại diện Trung tâm Phát triển Sức khoẻ Bền vững – VietHealth, hội thảo tập trung vào thảo luận, trao đổi nhằm xây dựng dự thảo hướng dẫn thực hiện quy trình PHS-CTS khuyết tật trẻ em, thống nhất cách thức triển khai và lộ trình đưa các hoạt động PHS-CTS khuyết tật trẻ em vào hoạt động thường quy của ngành Giáo dục.
Các đại biểu tham gia hội thảo
Bà Nhan Hoa Phương, Quyền trưởng phòng Giáo dục Mầm non đã nêu lên những thành công nhất định của dự án, đồng thời đề xuất kế hoạch giai đoạn 2019 – 2020 thông qua Bài trình bày kết quả phối hợp thực hiện các hoạt động PHS-CTS khuyết tật trẻ em trong khuôn khổ dự án DISTINCT tại tỉnh Tây Ninh.
Đại diện cho các giáo viên mầm non tham gia dự án DISTINCT, cô giáo Cao Thị Lùng, trường Mầm non Châu Thành, huyện Châu Thành đã có những chia sẻ xúc động khi được phân công tham gia hoạt động can thiệp Giáo dục Đặc biệt cho các trẻ khuyết tật của dự án: “Nhìn các con tiến bộ từng ngày cùng với cái nhìn tích cực hơn đối với trẻ khuyết tật từ phía cộng đồng, niềm hạnh phúc của cả tôi và cha mẹ của các trẻ dường như đã được nhân lên gấp bội”.
Sau phần thảo luận sôi nổi, tích cực, các đại biểu đã đưa ra nhiều đề xuất và khuyến nghị bao gồm: (1) Giáo viên mầm non cần được tạo điều kiện trong công việc để hoàn thành nhiệm vụ của trường và chuyên tâm tham gia hoạt động can thiệp Giáo dục Đặc biệt cho trẻ khuyết tật, (2) Nguồn nhân lực từ y tế xã, phường cần được tập huấn thêm về khám, chẩn đoán cho trẻ khuyết tật trên địa bàn huyện, (3) Hoạt động truyền thông cần được tăng cường thông qua phát loa, ghi hình, phát sóng trên đài truyền hình… nhằm giúp người dân hiểu rõ và thay đổi nhận thức về người khuyết tật, (4) Cơ sở vật chất, trang thiết bị tại trường lớp cần được đầu tư thiết kế để phù hợp với nhu cầu của trẻ khuyết tật như: Lối đi dành cho xe lăn, tay vịn, phòng dạy chuyên biệt dành cho trẻ khiếm thính, khiếm thị…
Bà Nguyễn Thị Hoa Lê – Đại diện Nhà tài trợ USAID chia sẻ: “Đây đều là những đề xuất mang tính khách quan, khả thi từ những kinh nghiệm thực tế để giúp Sở GD&ĐT, USAID, VietHealth đưa ra lộ trình thực hiện PHS-CTS khuyết tật trẻ em vào hoạt động thường quy của ngành giáo dục tỉnh”.
Bà Nguyễn Thị Hoa Lê – Đại diện Nhà tài trợ USAID chia sẻ ý kiến
Phát biểu của Ông Lê Quang Dương – Giám đốc VietHealth: “Các chính sách cụ thể, được chỉ đạo và giám sát bởi lãnh đạo ngành, lãnh đạo các cấp, phương án tự chủ của tỉnh sau khi dự án kết thúc sẽ là giải pháp tối ưu cho sự bền vững” đã đáp ứng mong đợi của đại biểu.
Về phía lãnh đạo ngành GD&ĐT, Ông Nguyễn Văn Phước – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Tây Ninh nêu lên quan điểm về việc duy trì hoạt động của dự án và mô hình PHS-CTS là trách nhiệm của toàn ngành chứ không phải của riêng phòng giáo dục mầm non. Sở GD&ĐT tỉnh Tây Ninh sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho các giáo viên mầm non để các cô có thể vừa hoàn thành công việc của nhà trường, vừa can thiệp được cho trẻ khuyết tật. Đồng thời, khi dự án kết thúc, ngành sẽ cố gắng tham khảo ý kiến của cán bộ các ngành, các cấp, huy động ngân sách để duy trì hoạt động PHS-CTS. Cuối cùng, Ông Phước bày tỏ thán phục, trân trọng sự hy sinh của các giáo viên tham gia hoạt động can thiệp GDĐB trong thời gian qua và mong rằng, các cô tiếp tục duy trì những kết quả tốt đẹp này để hỗ trợ cho trẻ khuyết tật, mang lại niềm hạnh phúc cho phụ huynh và cho bản thân mình.
Ông Nguyễn Văn Phước – PGĐ – Sở GD&ĐT tỉnh Tây Ninh phát biểu
Kết thúc hội thảo, các đại biểu đều thống nhất tổ chức thêm các hội nghị chuyên sâu về quy trình PHS-CTS khuyết tật trẻ em, cùng với đó là các văn bản chỉ đạo, phối hợp liên ngành Y tế, Giáo dục và Lao động Thương binh Xã hội để có thể duy trì việc thực hiện các hoạt động dự án tại địa phương.